Chuyện lạ kỳ trong giới công nghệ: Công ty một người, ‘làm tất ăn cả’, doanh số mỗi năm cả chục triệu USD

chuyen ky la

Nhân vật chính của câu chuyện hôm nay là Gary Brewer, chủ sở hữu của một trang web và cũng chính là “cần câu cơm” của anh, website có tên gọi BuiltWith.

Trang web này khá “kỳ diệu”, bởi nhiệm vụ chính của nó là giúp chỉ ra cho mọi người thấy những công nghệ đang được sử dụng để xây dựng các trang web khác.

Nghe qua thì tính năng thì khá nhàm chán và bình thường, lượt xem của trang vào thời điểm năm 2017 cũng chỉ đạt khoảng 2 triệu/ tháng, một con số không quá nổi bật. Nhưng hàng ngàn khách hàng của nó lại là những người sẵn sàng bỏ “tiền tươi thóc thật” để nhận lấy các thông tin trông đơn điệu và khô khan nói trên.

Chuyện lạ kỳ trong giới công nghệ: Công ty một người, ‘làm tất ăn cả’, doanh số mỗi năm cả chục triệu USD - Ảnh 1.

Giao diện trang web của BuiltWith trông vô cùng đơn giản, mang tới cho người xem những nét tương đồng với trang chủ Google của những năm 90. Trên thanh công cụ của nó, người dùng có thể nhập tên trang web mà họ muốn để tìm hiểu xem nó được xây dựng bằng những công nghệ nào.

Lấy ví dụ với “medium.com”, sau khi tìm kiếm, hệ thống sẽ đưa ra một danh sách dài các công nghệ hiện được sử dụng để tạo nên trang web này.

Chuyện lạ kỳ trong giới công nghệ: Công ty một người, ‘làm tất ăn cả’, doanh số mỗi năm cả chục triệu USD - Ảnh 2.

Dựa trên danh sách trên, chúng ta có thể xác định các công nghệ cụ thể đằng sau nó, chẳng hạn như A/B Testing bằng công cụ Optimizely, công cụ tìm kiếm là Algolia, tiếp thị tự động hóa bằng ConvertKit, giám sát bằng Datadog…

Đối với người dùng thông thường, chúng không có nhiều giá trị. Nhưng đối với các lập trình viên, hay kỹ sư thiết kế website đang phải đối mặt với các yêu cầu của khách hay sếp họ rằng: Hãy tạo cho tôi một trang web giống như thế này, hoặc thế kia… thì đây chính là toàn bộ bài giải mà họ cần.

Tới đây, có thể bạn sẽ đặt câu hỏi: Vậy Gary Brewer kiếm tiền từ việc nhặt nhạnh và liệt kê các công nghệ này như thế nào?

Câu trả lời nằm ở cách website này đang tự động hóa quá trình “lục lọi” và tìm kiếm của nó với sức mạnh từ dữ liệu lớn (Big Data). Số lượng công nghệ mà BuiltWith có thể phát hiện đã vượt quá 60.000 và số lượng trang web mà nó có thể bao phủ trên toàn thế giới thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn, khoảng gần 700 triệu.

Với lượng dữ liệu khổng lồ này trong tay, Gary Brewer có thể làm được rất nhiều việc. Ví dụ, anh có thể đưa ra gợi ý về “Xu hướng phát triển công nghệ trên Internet” theo thời gian hay đưa ra danh sách các “Công nghệ phổ biến trên các trang web” ở một quốc gia cụ thể như Việt Nam. Kèm theo đó là danh sách xếp hạng trong từng lĩnh vực như “tự động hóa tiếp thị”, “giải pháp lưu trữ thương mại điện tử” hay “hệ thống quản lý trang web doanh nghiệp”. Với chúng, người đọc có thể tìm hiểu xem các công nghệ nào đang được các trang web nổi tiếng sử dụng nhiều nhất, hay một công nghệ cụ thể nào đang được các website ở Việt Nam sử dụng phổ biến.

Chuyện lạ kỳ trong giới công nghệ: Công ty một người, ‘làm tất ăn cả’, doanh số mỗi năm cả chục triệu USD - Ảnh 3.

Và đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” về khả năng của BuiltWith.

Về cơ bản, trang web này dành cho những người muốn biết những người đồng nghiệp, đối thủ cạnh tranh hoặc đơn giản là các trang web thú vị đang sử dụng công cụ gì. Ngoài việc cho phép đánh giá quy mô cơ sở khách hàng của đối thủ cạnh tranh, một doanh nghiệp có thể nhắm mục tiêu khách hàng theo các cách khác nhau dựa trên những gì mà đối thủ của họ đã làm. Và từ đó, họ có thể học hỏi, rút kinh nghiệm, đưa ra các phân tích toàn diện hơn và có một cái nhìn kỹ lưỡng hơn về thị trường.

Còn bản thân các đơn vị cung cấp công nghệ, chẳng hạn như Magento, MailChimp, Amazon hay Rackspace, lại sử dụng BuiltWith để tìm hiểu khách hàng của họ là ai và cách mà họ có thể phục vụ nhóm khách hàng này tốt hơn như thế nào.

Ngày nay, không chỉ hữu ích cho việc phân tích thị trường của các công ty, ngay cả Harvard, MIT và các trường đại học khác cũng thường xuyên sử dụng dữ liệu của BuiltWith khi thực hiện các nghiên cứu học thuật.

Bản thân Gary cũng tiết lộ, phân khúc người dùng thú vị nhất của trang web này lại chính là các quỹ đầu cơ và nhà đầu tư. Họ sử dụng hồ sơ của BuiltWith để đo lường giá trị tiềm năng của các công ty, hoặc tìm thông tin về các công ty đang muốn niêm yết cổ phiếu. Ví dụ, các nhà đầu tư có thể tìm hiểu xem một công ty công nghệ có bao nhiêu khách hàng và liệu con số đó đang có xu hướng tăng hay giảm. Nhờ đó, BuiltWith cho phép tiết lộ thông tin cơ bản về mức độ khả thi hoặc sinh lời của một khoản đầu tư.

Chuyện lạ kỳ trong giới công nghệ: Công ty một người, ‘làm tất ăn cả’, doanh số mỗi năm cả chục triệu USD - Ảnh 4.

Quay trở lại với vấn đề chính, đó là lợi nhuận.

Khi mua sắm trực tuyến, mạng xã hội và nghề phân tích phát triển, Gary đã nghĩ ra nhiều cách hơn để phân đoạn và theo dõi các công nghệ khác nhau mà các trang web sử dụng. Và rồi, nhiều người dùng đến với BuiltWith hơn và phần đông trong số đó đề nghị trả tiền để nhận về các danh sách và bộ lọc cụ thể.

Mặc dù việc tìm kiếm trang web riêng lẻ sẽ miễn phí vĩnh viễn, Gary đã tạo ra hệ thống thành viên có giá từ 295 USD đến 995 USD mỗi tháng, cho phép khách hàng tìm kiếm các công nghệ, danh mục bán lẻ và từ khóa nhất định. Con số này hoàn toàn không cao đối với những người làm kinh doanh, nhất là khi so với những gì mà nó có thể mang lại.

“Tôi không thực sự có ý tưởng bắt đầu chế tạo các công cụ chuyên nghiệp hoặc bất cứ thứ gì tương tự”, anh nói. “Đó là phản hồi từ những người đến và nói: ‘Đây là những gì chúng tôi muốn.'”

Vì vậy, không khó hiểu tại sao website này lại có thể mang về khoản lợi nhuận khổng lồ tới như vậy, lên tới hàng chục triệu USD, chỉ trong một năm.

Nhưng, để biết xem chủ nhân của nó nghĩ như thế nào về công việc kinh doanh có phần cô độc này, hãy cùng theo dõi quá trình anh đã tạo ra BuiltWith, một hành trình đầy thú vị.

Chuyện lạ kỳ trong giới công nghệ: Công ty một người, ‘làm tất ăn cả’, doanh số mỗi năm cả chục triệu USD - Ảnh 5.
Chuyện lạ kỳ trong giới công nghệ: Công ty một người, ‘làm tất ăn cả’, doanh số mỗi năm cả chục triệu USD - Ảnh 6.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2006, khi Gary tham dự một hội nghị doanh nhân ở Sydney. Chính tại hội nghị này, anh đã hiểu ra hai điều. Một, đó là bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu kinh doanh. Và hai, là bản thân anh không thích giao dịch với các công ty và càng không thích bán sản phẩm.

Vì vậy, trong vài tháng sau đó, anh đã cố gắng tự phát triển nhiều loại công cụ và sản phẩm khi rảnh rỗi. Trong vai trò là một lập trình viên cao cấp, cách tìm cảm hứng của anh đương nhiên là việc kiểm tra mã nguồn của các trang web khác nhau.

Khi Gary đang cố gắng tìm ra ý tưởng tiếp theo của mình sau nhiều lần thất bại, anh tình cờ bắt gặp một đoạn mã dành riêng cho Java và anh đã suy đoán rằng trang web này được xây dựng bằng công nghệ này.

Lúc này, một cảm giác “đốn ngộ” đột nhiên xuất hiện!

Anh nghĩ, sẽ rất tuyệt khi biết mỗi trang web đang sử dụng chính xác công nghệ nào.

Và khi kiểm tra lại một lần nữa, Gary nhận ra không có ý tưởng tương tự nào đang tồn tại vào thời điểm đó, và lĩnh vực này vẫn còn trống, đang trong tình trạng chờ để được phát triển.

Vậy là Gary Brewer đã chính thức bắt đầu hành trình “khởi nghiệp” của mình. Anh chăm chỉ lướt web, tạo cơ sở dữ liệu kỹ thuật, dịch các đoạn mã thành các công nghệ cụ thể…

“Đó không phải là một ý tưởng kinh doanh, nó chỉ là một ý tưởng cho một trang web thú vị sẽ cho bạn biết những trang web khác được xây dựng bằng gì”, anh nói. “Thật tình cờ khi tên miền BuiltWith.com vẫn còn, vì vậy tôi đã gọi nó như vậy”.

Chuyện lạ kỳ trong giới công nghệ: Công ty một người, ‘làm tất ăn cả’, doanh số mỗi năm cả chục triệu USD - Ảnh 7.

BuiltWith đã ra đời nhanh chóng sau đó và không mất nhiều thời gian để trở nên phổ biến. Đồng thời, Gary cũng không quên quảng bá bản thân, khi xuất bản một báo cáo độc quyền về việc tạo ra BuiltWith thông qua ReadWrite, một blog công nghệ khá có tiếng vào thời điểm đó.

Hiệu ứng mang lại không tồi, BuiltWith nhanh chóng thống trị các nền tảng chia sẻ thông tin lúc bấy giờ, đặc biệt với giới chuyên môn và những người trong nghề.

“Những bài báo đó chỉ là khởi đầu may mắn, nhưng điều đó thực sự đã giúp củng cố được BuiltWith trong tâm trí mọi người”, anh nói. “Từ đó, nó lan truyền chủ yếu bằng cách truyền miệng. Thật là tuyệt vời khi bạn có thể chỉ cho ai đó thấy những thứ như thế này, vì vậy điều đó đã giúp nó lan truyền rộng rãi. Tôi thề là đã không làm gì cả.”

Nhưng đó mới chỉ là một đám lửa nhỏ, và BuiltWith chỉ chính thức “bùng cháy” sau một cuộc gặp gỡ kỳ thú khác. Trong một lần tình cờ, Gary Brewer gặp được người sáng lập AboutUs là Raymond King. Nếu bạn chưa biết thì AboutUs là một thư mục tên miền Internet chứa hàng triệu thông tin của các công ty khác nhau. Sau khi thể hiện ý tưởng và sản phẩm của mình, cả hai đã cảm thấy người kia là một đối tác vô cùng ăn ý.

Sau đó, một liên kết tới trang BuiltWith.com đã được thêm vào mỗi bản ghi trong chỉ mục của AboutUs, cung cấp thông tin từ BuiltWith về từng website của doanh nghiệp. Gần như ngay lập tức, hàng chục nghìn back-link này đã mang lại một lượng truy cập khổng lồ.

Chuyện lạ kỳ trong giới công nghệ: Công ty một người, ‘làm tất ăn cả’, doanh số mỗi năm cả chục triệu USD - Ảnh 8.
Chuyện lạ kỳ trong giới công nghệ: Công ty một người, ‘làm tất ăn cả’, doanh số mỗi năm cả chục triệu USD - Ảnh 9.

Trên thực tế, ngoài Gary Brewer, BuiltWith còn có một người đồng sáng lập khác. Đó là Andrew Rogers, và hiện tên của anh vẫn xuất hiện trên trang web chính thức của BuiltWith.

Ban đầu, Andrew tham gia BuiltWith vào đầu năm 2010, với kinh nghiệm trước đó là quản lý một công ty khởi nghiệp với hơn 50 người. Vì rất hứng thú với trang web này nên Andrew đã xin Gary để anh cùng tham gia, không cần lương mà chỉ nhận vốn chủ sở hữu và chức danh đồng sáng lập. Andrew mong muốn dựa vào kinh nghiệm cá nhân để củng cố BuiltWith và biến nó thành một hệ thống hoàn thiện hơn.

Kế hoạch lý tưởng của Andrew là xây dựng thêm hệ thống bán hàng, thiết lập hệ thống quản lý quan hệ khách hàng để theo dõi khách hàng tiềm năng và thiết lập các bộ phận hỗ trợ khác.

Nhưng Andrew dần dần nhận ra rằng những cái gọi là “quản lý hoạt động có hệ thống” này chẳng có ích gì đối với BuiltWith.

Như đã đề cập ở trên, công việc chính của BuiltWith là khai thác các kho công nghệ được sử dụng bởi các công ty khác nhau. Gary tin rằng người dùng của họ đến một cách tự nhiên, nghĩa là nếu có nhu cầu thì họ sẽ bỏ tiền ra mua, thậm chí không cần gửi email hỏi trước. Do đó, những quy trình tiếp thị tẻ nhạt trở nên không cần thiết, và nếu cắt bỏ nó bạn thậm chí còn tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.

Thời điểm bận rộn nhất, công ty nhận được một cuộc gọi tới mỗi tuần từ các quỹ đầu tư. Nhưng Gary phớt lờ tất cả và để Andrew trả lời chúng. Không hợp tác được với BuiltWith, các quỹ này hậu thuẫn để tạo ra các đối thủ cạnh tranh cho công ty. Nhưng rồi, sự xuất hiện của họ hóa ra lại càng tôn vinh vị thế của BuiltWith trên thị trường, khiến doanh thu tăng nhanh hơn.

Sau khi cả hai “hợp tác một thời gian”, Gary đã cảm thấy rằng công ty tốt hơn là chỉ nên có một người. Bằng cách này, bản thân anh vẫn có thể tự mình xử lý phần khối lượng công việc còn lại. Anh sẽ cùng lúc giữ ba vị trí là người sáng lập, nhà phát triển và cũng kiêm luôn trưởng nhóm hỗ trợ khách hàng. Thực tế đã chứng minh anh có thể làm mọi thứ tốt đẹp cùng một lúc, một cách dễ dàng.

Về mặt kỹ thuật, mọi thứ đều đơn giản và dễ vận hành. Giao diện người dùng của BuiltWith là ASP.NET. Hệ quản trị cơ sở dữ liệu MongoDB được trải rộng trên nhiều máy chủ, trong khi tài khoản người dùng nằm trong máy chủ Microsoft SQL. Tất cả dữ liệu và dịch vụ lưu trữ đều thông qua công ty điện toán đám mây OVH của Pháp. Tra cứu DNS và tra cứu chứng chỉ SSL được thực hiện bằng Ubuntu.

“Về cơ bản, tôi sử dụng các công cụ nhanh nhất với chi phí thấp nhất”, Gary nói. “Đó đơn giản chỉ là cách nó đã phát triển kể từ ngày đầu”.

Để theo dõi các trang web trên Internet, Gary sẽ thuê kích hoạt hàng nghìn máy chủ ảo Elastic Compute Cloud của Amazon. Các máy chủ chạy mã C# tùy chỉnh do chính Gary viết ra. “Sẽ có 2.000 máy chủ hoạt động suốt 24 giờ mỗi ngày”, anh chia sẻ.

Chuyện lạ kỳ trong giới công nghệ: Công ty một người, ‘làm tất ăn cả’, doanh số mỗi năm cả chục triệu USD - Ảnh 10.

Gary cũng phân bổ thời gian cụ thể trong ngày cho các công việc cụ thể và nếu gặp những rắc rối cụ thể, anh ấy sẽ giải quyết tất cả cùng một lúc. Ví dụ, nếu ai đó gặp vấn đề mà anh chưa từng trả lời trước đây, Gary sẽ viết một bài hướng dẫn cơ bản, rồi làm một video dài 20 giây để chỉ ra các bước chính xác cần thực hiện. Và anh chỉ phải làm nó một lần duy nhất. Còn thông thường anh chỉ trả lời khách hàng trong 10 giây, kèm theo việc gửi một đường link tới thứ họ cần.

Một ví dụ khác là các công ty bán gói thành viên thường tập trung nhiều vào việc ngăn mọi người hủy đăng ký. Gary thì ngược lại, anh thiết kế lại nó để giúp cho việc hủy đăng ký của mọi người dễ dàng hơn.

“Bằng cách đó, tôi có ít việc phải làm hơn và có nhiều thời gian hơn cho những việc thú vị như chế tạo các công cụ mới”, Gary chia sẻ.

Thực tế cho thấy mặc dù BuiltWith không có một đội ngũ nhân sự tử tế, nhưng nó đã được tự động hóa và có thể hoạt động mà không cần bất kỳ đội ngũ bán hàng hay kỹ sư nào.

Đó cũng là lý do mà cuối cùng, Andrew đã chấp nhận rời đi bởi không còn vị trí toàn thời gian nào phù hợp cho mình ở công ty. Do vẫn còn vai trò tư vấn, nên cả hai đồng ý gặp nhau mỗi tháng một lần trong một giờ. Mặc dù vậy, sau đó Gary đã đẩy chúng ra thành 2 hoặc 3 tháng một lần để tiết kiệm thời gian.

Một điều đáng nói là trước khi Andrew yêu cầu trở thành đồng sáng lập, Gary đã có một công việc toàn thời gian khác và anh chỉ sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình để điều hành BuiltWith. Cho tới thời điểm trang web giúp kiếm về 40.000 USD mỗi tháng, anh vẫn chỉ làm việc trên nó vào mỗi buổi tối và cuối tuần. Bởi Gary lo lắng về việc bỏ công việc ban ngày của mình, anh không chắc doanh thu sẽ ổn định lâu dài và hiện anh cũng đang có một người sếp tốt. Mãi tới khi Andrew gia nhập, Gary mới từ bỏ công việc ban đầu của mình và dành hết tâm trí cho trang web này. Việc thuyết phục Gary dành trọn tâm trí cho BuiltWith dường như mới là đóng góp quý giá nhất của Andrew cho công ty.

Chuyện lạ kỳ trong giới công nghệ: Công ty một người, ‘làm tất ăn cả’, doanh số mỗi năm cả chục triệu USD - Ảnh 11.

Tuy nhiên, một số người lại nghi ngờ rằng “công ty một người” của Gary Brewer chỉ là một “trò biểu diễn”. Trong một số bức hình công khai, nhiều cư dân mạng phát hiện phía sau anh có một văn phòng với nhiều máy tính và bàn làm việc.

Trên thực tế, khái niệm“công ty một người” được đề cập ở đây nói tới vấn đề kinh doanh cốt lõi. Đó là lý do BuiltWith vẫn sẽ có một vài nhân viên phụ trách những công việc mà Gary không thích lắm, chẳng hạn như kế toán hay tiếp thị trên mạng xã hội. Nó không có nhóm bán hàng hoặc nhóm hỗ trợ nào khác.

Và giờ mặc dù văn phòng của công ty đã được xây dựng rất hoàn thiện, khang trang và đẹp mắt, nhưng Gary thường làm việc tại nhà hơn là tới đây.

Đánh giá về thành công của BuiltWith, một số quan điểm cho rằng Gary Brewer đã nắm bắt được thời điểm tốt, khi các công cụ phần mềm còn sơ khai. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh hệ thống mà anh xây dựng vẫn hiệu quả và bằng chứng là công ty vẫn đứng vững tới tận ngày hôm nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!